Nhà vườn bận rộn chăm hoa mai tết sau tết
Hoamaitet.com - Sau Tết, nhiều nhà vườn lại bận rộn với dịch vụ phục hồi, chăm sóc mai để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Anh Vũ An Ninh (tổ 3 Phước Thành, phường Phước Long, TP. Nha Trang) cho biết, 2 năm trước, anh mua cây mai ghép bonsai với giá 14 triệu đồng của một nhà vườn ở xã Diên An, huyện Diên Khánh. Tết năm đó, cây cho rất nhiều bông, nhưng sau đó lại phát triển rất kém, Tết Ất Mùi vừa qua cây ra ít nụ và bông nhỏ hơn hẳn. “Vườn rộng và vốn có cái thú chơi cây cảnh nên sau khi mua cây mai về, tôi để ở nhà tự chăm sóc. Nhưng giờ tôi mới biết, chăm sóc cây mai ghép không hề đơn giản, nếu chăm không đúng kỹ thuật, cây sẽ chết dần. Vì vậy tôi vừa chở cây đến một nhà vườn để chăm đến Tết năm sau, với hợp đồng 1,2 triệu đồng” - anh Ninh nói. Tương tự, không ít người mới chơi mai, nhất là mai ghép, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên cây ngày càng lụi tàn và cuối cùng họ đành phải “cầu cứu” đến các nhà vườn.
Tại vườn mai rộng lớn của ông Nguyễn Văn Tư (đường Lê Hồng Phong, phường Phước Long), không khí làm việc của các nhân công tất bật chẳng kém những ngày trước Tết. Lượng mai thu về sau khi hết hợp đồng cho thuê, mai của khách hàng liên tục chở đến thuê chăm sóc khiến vườn của ông không còn mấy chỗ trống. Anh Nguyễn Xuân Hải, người chuyên chăm sóc mai ở vườn này cho biết: “Vườn mai của ông Tư chủ yếu là cho thuê và làm dịch vụ chăm sóc chứ rất ít khi bán. Mai cho thuê thì chúng tôi đã thu hồi xong trước mùng 10 tháng Giêng. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung sang chậu, thay đất và tiếp phân cho cây”.
Theo ông Tư, những gốc mai khách hàng gửi chăm sóc đều là gốc mai đẹp, có giá trị cao. “Đối với những gốc có giá trị hàng chục triệu đồng, thường chủ mai sẽ yêu cầu chúng tôi ký hợp đồng dịch vụ, còn không thì chúng tôi chỉ ghi tên và địa chỉ của khách hàng trên thành chậu vào trong sổ để tránh giao nhầm. Nếu lỡ gốc mai đó chết, chúng tôi phải bù cho khách hàng một gốc có giá trị tương đương trở lên, nhưng trường hợp này rất ít khi xảy ra. Ngược lại, đến Tết mai khỏe, nhiều bông thì chủ mai thường thưởng thêm cho nhà vườn chăm sóc”, ông Tư chia sẻ.
Vườn mai của anh Nguyễn Thanh Khê (xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang) cũng đã được lấp đầy với hàng trăm chậu khách hàng mới chở đến. Hiện tại, anh và 3 nhân công đã thực hiện xong các công đoạn “hồi sức” cho khoảng gần 300 chậu mai và đang tiếp tục công việc tương tự đối với số chậu mới tiếp nhận. Anh Khê cho biết: “Cây mai từ khi bị vặt lá để ép nở hoa cho đến kết thúc trưng chơi Tết kéo dài khoảng hơn 1 tháng, sau Tết cây rất yếu nên để chúng phát triển trở lại và cho hoa nhiều vào năm sau thì cần những kỹ thuật khá đặc biệt. Trong khi đó, những người chơi mai không phải ai cũng nắm được kỹ thuật cơ bản, nên sau Tết, nhiều người đưa mai đến gửi các nhà vườn chăm sóc”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá dịch vụ chăm sóc mai mỗi nơi một khác và tùy vào giá trị cũng như hiện trạng “sức khỏe” của cây lúc chủ vườn tiếp nhận, nhưng bình quân dao động từ 500.000 đến 3 triệu đồng/gốc/năm. Hiện tại, nhiều nhà vườn không còn chỗ chứa, họ nhận chăm sóc mai tại nhà khách hàng nhưng với giá cao hơn.
Theo những người làm vụ dịch vụ này, ngoài kỹ thuật và kinh nghiệm, nghề này đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ. Chăm mai sau Tết được bắt đầu bằng việc cắt bỏ những cuống hoa đã nở và những nụ chưa nở, cắt tỉa bớt tán để tập trung dinh dưỡng nuôi bộ rễ và chuẩn bị cho kỳ nảy mầm. Tiếp đến là thay đất và tiếp phân để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây phát triển tốt. Cơ bản là vậy, nhưng với tiêu chí cây phát triển mạnh, tán đẹp, nhiều nụ, trong suốt 1 năm chăm sóc, trải qua nhiều chu kỳ sinh trưởng và ứng phó với nhiều điều kiện thời tiết bất lợi thì việc chăm sóc cây mai không hề đơn giản.
Theo http://www.baokhanhhoa.com.vn/doi-song/201503/cham-mai-sau-tet-2374391/
Tin liên quan
Mai vàng ghép 3 mùa - Hoành 52cm - Cao 1,5m - Số 69
Hướng dẫn cách trộn đất trồng chăm sóc mai vàng sau tết
Mai vàng sau tết cần được thay đất để đảm bảo nguồn dinh dưỡng nuôi cây cho năm tiếp theo. Mình xin chia sẻ các trộn đất trồng mai sau tết cho mọi người : trộn Xơ dừa với trấu sống và phân trâu hoặc bò. Tỉ lệ trộn là 5:4:1 Tuy nhiên bạn có thể gia giảm theo mục đích trồng của mình.